THỰC TRẠNG NHIỄM GHÉP VI KHUẨN Ở GIA SÚC, GIA CẦM VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ ĐIỀU TRỊ
“Nhiễm ghép nhiều loại vi khuẩn trên đường hô hấp và tiêu hóa ở gia súc, gia cầm là thách thức lớn trong chăn nuôi hiện đại. Sự đồng nhiễm làm tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh, gây khó khăn trong chẩn đoán và điều trị, dẫn đến thiệt hại kinh tế đáng kể. Để nâng cao hiệu quả sử dụng kháng sinh trong điều trị bệnh cần một số giải pháp tổng hợp như: Tăng cường tầm soát tính mẫn cảm kháng sinh của hệ vi khuẩn gây bệnh trong trang trại; phân tích tính mẫn cảm kháng sinh theo hệ vi khuẩn thường có mặt ở đường tiêu hoá và hô hấp; căn cứ kết quả kháng sinh đồ định lượng (MIC-Minimum Inhibitory Concentration) để sử dụng kháng sinh hợp lý và nâng cao hiệu quả điều trị trong trường hợp nhiễm ghép. Kết hợp các giải pháp tổng hợp như tăng cường an toàn sinh học, giám sát và chẩn đoán sớm, quản lý dinh dưỡng, sử dụng vaccine.
I.Thực trạng nhiễm ghép vi khuẩn gây bệnh gia súc gia cầm
I.1 Nhiễm ghép trên đường hô hấp
Ở gia cầm, bệnh hô hấp thường xảy ra dưới dạng bệnh phức hợp, với sự hiện diện của nhiều loại mầm bệnh (Kaore & cs.,2018). Sự đồng nhiễm của nhiều loại vi khuẩn trong bệnh hô hấp phức hợp ở gà như Ornithobacterium rhinotracheale (ORT), Avibacterium paragallinarum (APG), Mycoplasma gallisepticum (MG) và Avian Pathogenic Escherichia coli (APEC) làm tình trạng bệnh trở nên phức tạp, tăng tỷ lệ tử vong, giảm tăng trọng, tăng chi phí điều trị (Gharaibeh & Algharaibeh, 2007; Shawki & cs., 2017).
Đồng nhiễm Mycoplasma gallisepticum và Escherichia coli thường dẫn đến bệnh hô hấp mãn tính, gây tổn thương phổi và túi khí, làm giảm năng suất và tăng tỷ lệ tử vong.
Ở gia súc, Theo nghiên cứu của Confer và cộng sự (2009) ghép Mannheimia haemolytica và Pasteurella multocida gây viêm phổi màng phổi, đặc biệt ở bê con, làm tăng tỷ lệ tử vong và giảm hiệu suất tăng trưởng. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, heo mắc hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp (PRRS) thường dễ bị viêm phổi kế phát do các vi khuẩn như Actinobacillus pleuropneumoniae, Pasteurella multocida và Streptococcus suis. Sự đồng nhiễm này làm tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh, dẫn đến tỷ lệ tử vong cao hơn và gây thiệt hại kinh tế đáng kể cho ngành chăn nuôi lợn (Bùi Quang Anh & cs, 2008; Jantafong & cs, 2015).
I.2. Nhiễm ghép trên đường tiêu hóa
Ở gia cầm, nhiễm đồng thời Clostridium perfringens và Eimeria spp. là nguyên nhân chính gây bệnh viêm ruột hoại tử (necrotic enteritis) ở gia cầm, đặc biệt là gà thịt. Sự kết hợp này làm tổn thương nghiêm trọng niêm mạc ruột, dẫn đến giảm tăng trưởng và tăng tỷ lệ tử vong (Williams, 2005).
Salmonella spp. và Campylobacter spp. là hai loại vi khuẩn phổ biến gây nhiễm trùng đường tiêu hóa ở gia cầm. Nhiễm ghép giữa hai loại vi khuẩn này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe vật nuôi mà còn làm tăng nguy cơ lây nhiễm sang người tiêu dùng thông qua thực phẩm. Một nghiên cứu cho thấy tỷ lệ nhiễm ghép giữa Campylobacter spp. và Salmonella spp. ở gà thịt có thể lên đến 38,8 % (Guyard-Nicodème & cs, 2023).
Nghiên cứu của Foster và Smith (2009) cho thấy 50,9% số heo con bị tiêu chảy có kết quả dương tính với nhiều tác nhân gây bệnh, trong đó C. perfringens type A được phân lập đồng thời với ít nhất một tác nhân khác trong 64,6% các trường hợp dương tính. Đặc biệt, mối liên hệ thường gặp nhất là giữa RVA và C. perfringens type A, chiếm 17,9% số mẫu xét nghiệm.
Nhiễm ghép nhiều loại vi khuẩn trên đường hô hấp và tiêu hóa ở gia súc, gia cầm là một thách thức lớn đối với ngành chăn nuôi. Việc hiểu rõ cơ chế tương tác giữa các tác nhân gây bệnh và áp dụng các biện pháp phòng ngừa hiệu quả là cần thiết để giảm thiểu tác động tiêu cực đến sức khỏe vật nuôi và hiệu quả kinh tế.
II. Các kỹ thuật kháng sinh đồ hiện tại và khả năng ứng dụng trong điều trị lâm sàng
II.1. Các kỹ thuật kháng sinh đồ phổ biến
Kháng sinh đồ là phương pháp xét nghiệm vi sinh nhằm xác định mức độ nhạy cảm hoặc kháng thuốc của vi khuẩn đối với các loại kháng sinh khác nhau. Kết quả kháng sinh đồ giúp bác sĩ thú y, nhà chăn nuôi lựa chọn loại kháng sinh phù hợp nhất để điều trị hiệu quả, đồng thời hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc và kháng kháng sinh.Các phương pháp phổ biến hiện nay bao gồm:
1. Kháng sinh đồ bằng phương pháp đĩa kháng sinh (Kirby-Bauer): Đặt các đĩa giấy tẩm kháng sinh lên bề mặt thạch đã được cấy vi khuẩn, sau đó đo đường kính vùng ức chế vi khuẩn xung quanh đĩa để đánh giá mức độ nhạy cảm
2. Kháng sinh đồ xác định MIC bằng phương pháp vi pha loãng (MIC-Minimum Inhibitory Concentration): Xác định nồng độ kháng sinh tối thiểu cần thiết để ức chế sự phát triển của vi khuẩn.
II.2. Ưu điểm của các phương pháp kháng sinh đồ
Xác định chính xác loại kháng sinh mà vi khuẩn gây bệnh nhạy cảm, điều trị hiệu quả, giảm chi phí sản xuất.
Hạn chế kháng kháng sinh, bảo vệ hiệu quả điều trị của kháng sinh trong tương lai
Hỗ trợ xây dựng phác đồ phòng bệnh phù hợp, giảm nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong đàn. Nâng cao hiệu quả các biện pháp an toàn sinh học, bảo vệ sức khỏe vật nuôi.
Tuân thủ quy định sử dụng kháng sinh, nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ đó tăng khả năng tiếp cận thị trường trong và ngoài nước, nâng cao giá trị thương hiệu.
Tuy nhiên, việc áp dụng kết quả kháng sinh đồ vào thực tế chăn nuôi có thể gặp khó khăn do thiếu thông tin về điều kiện cụ thể của trại chăn nuôi, như loại vật nuôi, môi trường sống và chế độ dinh dưỡng. Điều này đòi hỏi sự kết hợp giữa kết quả kháng sinh đồ và hiểu biết thực tế để đưa ra quyết định điều trị phù hợp.
III. Giải pháp nâng cao hiệu quả điều trị lâm sàng
Xây dựng kháng sinh đồ theo bệnh: Phân tích dữ liệu kháng sinh đồ dựa trên các vi khuẩn thường gặp trong nhiễm khuẩn đường hô hấp và tiêu hóa, giúp nhà chăn nuôi lựa chọn kháng sinh điều trị hiệu quả.
Phối hợp và áp dụng các kỹ thuật xét nghiệm hiện đại: Áp dụng các kỹ thuật sinh học phân tử như PCR, realtime PCR, phân tích di truyền và giải trình tự gen có thể giúp nhanh chóng xác định tác nhân gây bệnh và gen kháng kháng sinh, rút ngắn thời gian xét nghiệm.
Phối hợp đa chuyên khoa: chiến lược quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả điều trị và kiểm soát dịch bệnh. Cách tiếp cận này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực khác nhau gồm :thú y, vi sinh, miễn dịch học, dịch tễ học và quản lý trang trại.
Trong đó, phương pháp kháng sinh đồ theo bệnh của R.E.P Labs giúp tránh bỏ sót tác nhân, tiết kiệm thời gian, giảm chi phí cho nhà chăn nuôi. Phương pháp này sẽ phân lập tất cả các con vi khuẩn gây bệnh hô hấp hoặc tiêu hóa có trong mẫu bệnh phẩm, sau đó chọn ra một loại kháng sinh nhạy với tất cả các các con vi khuẩn phân lập được và tính liều điều trị hiệu quả. Phương pháp này khắc phục được hạn chế của phương pháp kháng sinh đồ cho từng tác nhân riêng lẻ. Bởi hiện tượng nhiễm ghép gây khó khăn trong chẩn đoán lâm sàng, có thể dẫn đến sai lệch kết quả trong quá trình thực hiện phương pháp kháng sinh đồ từng tác nhân riêng rẻ.
Hiện tượng bội nhiễm đồng thời nhiều loại vi khuẩn gây bệnh và đa kháng kháng sinh đang diễn ra phổ biến trong chăn nuôi đặc biệt chăn nuôi công nghiệp mật độ cao và không đảm bảo an toàn sinh học. Vì vậy việc tầm soát sự có mặt đồng thời các tác nhân gây bệnh có mặt trong các hệ cơ quan tiêu hoá, hô hấp bằng kháng sinh đồ theo bệnh là việc cần thiết. Phương pháp kháng sinh đồ theo bệnh là một chiến lược quan trọng trong chăn nuôi hiện đại, giúp xác định chính xác loại kháng sinh phù hợp để điều trị các bệnh nhiễm vi khuẩn ở gia súc và gia cầm. Việc áp dụng phương pháp này không chỉ nâng cao hiệu quả điều trị mà còn góp phần giảm thiểu tình trạng kháng thuốc và đảm bảo an toàn thực phẩm.
R.E.P Biotech
Tài liệu tham khảo
1. Kaore, M., Singh, K.P., Palanivelu, M., Kumar, Asok Kuimar, M., Reddy, M.R. and Kurkure, N.V. (2018). Patho-epidemiology of respiratory disease complex pathogens (RDCPs) in commercial chicken. Indian Journal of Veterinary Pathology, 42(4): 231-238.
2. Gharaibeh, S.M. and Algharaibeh, G.R. (2007). Serological and molecular detection of avian pneumovirus in chickens with respiratory disease in Jordan. Poultry Science, 86(8): 1677-1681
3. Shawki M.M., Lebdah M.A. & Nassif S.A. (2017). Some studies on swollen head syndrome in broiler chickens in Egypt. Zagazig Veterinary Journal. 45(S1): 23.
4. Confer A. W. (2009). Update on bacterial pathogenesis in BRD. Animal Health Research Reviews, 10(2), 145-148.
5. Bùi Quang Anh, Hoàng Văn Năm, Văn Đăng Kỳ, Nguyễn Văn Long, và Nguyễn Ngọc Tiến (2008). Hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản (Bệnh Tai xanh), Nhà xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội, 7 - 21.
6. Jantafong T., Sangtong P., Saenglub W., Mungkundar C., Romlamduan N., Lekchareonsuk C., Lekcharoensuk P. (2015). Genetic diversity of porcine reproductive and respiratory syndrome virus in Thailand and Southeast Asia from 2008 to 201. Veterinary Microbiology, 176 (3 - 4): 229 – 238.
7. Williams R. B. (2005). Intercurrent coccidiosis and Necrotic enteritis of chickens: rational, integrated disease management by maintenance of gut integrity. Avian Pathology, 34(3), 159-180.
8. Guyard-Nicodème M., Anis N., Naguib D., Viscogliosi E., Chemaly M. (2023). Prevalence and Association of Campylobacter spp., Salmonella spp., and Blastocystis sp. in Poultry. Microorganisms.11(8): 1983.
9. Foster D. M., Smith G. W. (2009). Pathophysiology of diarrhea in calves. Veterinary Clinics of North America: Food Animal Practice, 25(1), 13-36.
Bài viết liên quan
-
HỘI CHỨNG GIẢM ĐẺ TRÊN GÀ VÀ GIẢI PHÁP
Trứng là một nguồn thực phẩm bổ dưỡng và phổ biến. Sản lượng trứng năm 2024 đạt 20 tỷ quả, tăng 5% so với năm 2023, cho thấy sự tăng trưởng không ngừng của mảng chăn nuôi gà đẻ. Tuy nhiên Hội chứng giảm đẻ (Egg Drop Syndrome – EDS) do virus thuộc nhóm Adenovirus gây bệnh ở gà làm giảm khả năng sản xuất trứng.
-
ỨNG DỤNG PHƯƠNG PHÁP NGĂN TRỞ NGƯNG KẾT HỒNG CẦU (HI) ĐỂ XÉT NGHIỆM KHÁNG THỂ DỊCH THỂ TRÊN ĐỘNG VẬT
Hiện nay để đánh giá đáp ứng miễn dịch dịch thể cho động vật cần sử dụng đến các phương pháp như: trung hòa kháng thể; ELISA; ngăn trở ngưng kết hồng cầu (HI). Trong đó, phương pháp HI được xem là “tiêu chuẩn vàng” trong đánh giá miễn dịch chống lại các virus gây ngưng kết hồng cầu. Theo tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam, phản ứng HI đã được chỉ định để chẩn đoán các bệnh do virus có khả năng gây ngưng kết hồng cầu thường gặp trên gia cầm như: Newcastle, Cúm gia cầm, và Hội chứng giảm đẻ (EDS) trên gà
-
HỆ QUẢ CỦA BỆNH KẾ PHÁT TỪ CIRCOVIRUS TRÊN VỊT VÀ PHƯƠNG ÁN KIỂM SOÁT
Với vị thế là nước có đàn thủy cầm (chủ yếu là vịt) đứng thứ 2 thế giới, ngành chăn nuôi vịt ở nước ta phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc. Nhiều giống vịt siêu trứng, siệu thịt được nhập vào nước ta, quy mô chăn nuôi ngày càng mở rộng, đi kèm với đó là sự bùng nổ các dịch bệnh. Trong những năm gần đây, người chăn nuôi trong cả nước phát hiện có một bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện trên vịt thịt với biểu hiện còi cọc, rụng lông, gẫy lông gây giảm hiệu quả chăn nuôi. Bệnh đã chược chứng minh do Circovirus trên vịt hay bệnh Circo trên vịt (Circovirus in Duck) gây nên.
-
XÉT NGHIỆM ĐỊNH LƯỢNG KIỂM SOÁT BỆNH THIẾU MÁU DO MYCOPLASMA SUIS
Trong những năm gần đây, bệnh thiếu máu do vi khuẩn Mycoplasma suis ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của người chăn nuôi bởi những ảnh hưởng trực tiếp của bệnh đến năng suất sản xuất.
-
KHÁNG SINH ĐỒ ĐỊNH LƯỢNG – CÔNG CỤ SỬ DỤNG KHÁNG SINH CÓ KIỂM SOÁT
Những năm gần đây, nền chăn nuôi nước ta chuyển mình theo hướng quy mô và hiện đại hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật và tự động vào quy trình chăn nuôi. Nhưng bên cạnh đó, chăn nuôi mật độ cao làm gia tăng áp lực mầm bệnh, lây lan nhanh các chủng kháng kháng sinh, gây khó khăn trong điều trị. Kháng sinh đồ định lượng được biết đến như một công cụ giúp nhà chăn nuôi sử dụng kháng sinh có kiểm soát và có hiệu quả.
-
VAI TRÒ CỦA CÁC PHƯƠNG PHÁP XÉT NGHIỆM CHẨN ĐOÁN BỆNH TRONG CHĂN NUÔI THÚ Y
Trong tình hình dịch bệnh xảy ra hết sức phức tạp và biến đổi không ngừng, các phương pháp xét nghiệm chẩn đoán bệnh ngày càng có ý nghĩa quan trọng trong ngành chăn nuôi thú y. Do đó người làm việc trong ngành chăn nuôi thú y cần nắm được vai trò của các phương pháp này để đưa ra các quyết định phù hợp.
-
VẮC-XIN TRONG CHĂN NUÔI THÚ Y
Từ lâu vắc-xin đã đóng vai trò quan trọng trong ngành chăn nuôi thú y bởi ý nghĩa chủ động ngăn ngừa các bệnh do vi sinh vật gây ra, bảo vệ sức khỏe đàn vật nuôi. Do đó, việc hiểu để sử dụng đúng, phát huy hết tác dụng của vắc-xin là điều cần thiết.
-
KIỂM SOÁT TỐT BỆNH MAREK – LOẠI BỎ KẺ THÙ NGUY HIỂM
Bệnh Marek được biết đến từ lâu trong ngành chăn nuôi gà bởi những ảnh hưởng nặng nề mà bệnh này gây ra trên đàn gà. Khi đàn gà bắt đầu biểu hiện những triệu chứng của bệnh, thiệt hại là điều chắc chắn. Do đó nhà chăn nuôi cần kiểm soát tốt bệnh Marek – Loại bỏ kẻ thù nguy hiểm này khỏi trang trại.
Copyright © 2020 R.E.P Biotech JSC